Hoàn thiện liên kết vùng, phát triển hạ tầng xã hội và ứng dụng công nghệ quản lý giao thông là những việc Bình Dương cần chú trọng khi từng bước hướng đến đô thị thông minh.
“Muốn công nghiệp phát triển, đầu tiên phải có hệ thống giao thông liên kết cấp vùng, và Bình Dương đã làm được điều này. Tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn – một phần của vành đai 3 được thực hiện sớm cho thấy tầm nhìn của chính quyền trong việc thúc đẩy sự phát triển của tỉnh”, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan, giảng viên Khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP.HCM, chỉ ra điểm sáng trong quá trình phát triển hạ tầng ở Bình Dương xuyên suốt những năm qua.
Từ một vùng nông nghiệp, chỉ 10 năm trở lại, Bình Dương bứt tốc vươn lên trở thành vùng công nghiệp quan trọng trong vùng TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung.
Song, sự phát triển nhanh về công nghiệp, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn đã khiến nhiều tuyến đường chính qua khu công nghiệp tại Bình Dương thường xuyên quá tải. Điều này đòi hỏi tỉnh có một hoạch định chiến lược dài hạn hơn trong tương lai để hướng đến mục tiêu phát triển thành phố thông minh.
Đột phá hạ tầng
Nằm trên những trục giao thông quan trọng, gần sân bay, cảng biển, Bình Dương đã gắn kết và khai thác tối đa lợi thế hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía nam; từng bước xây dựng hệ thống giao thông đường thủy gắn với hạ tầng logistics.
Bình Dương cần dự báo xu hướng đô thị hóa, phát triển thành phố thông minh.
Tuy nhiên, chuyên gia nhìn nhận đi liền với sự phát triển, tốc độ đô thị hóa của Bình Dương những năm qua tăng rất nhanh dựa trên việc hình thành hàng loạt khu công nghiệp.
TS Hoàng Ngọc Lan đánh giá mặc dù chính quyền đã có nhiều giải pháp cho vấn đề này (xây nhà ở xã hội, hệ thống trường học các cấp, hệ thống y tế…), tỉnh cần có nghiên cứu về đô thị hóa của tỉnh để dự báo xu hướng trong giai đoạn phát triển sắp tới.
“Nhất là khi các khu công nghiệp của tỉnh sẽ bắt đầu chuyển đổi tính chất, từ đô thị hóa dựa trên công nghiệp cấp thấp, thâm dụng lao động lên đô thị hóa dựa trên nền công nghiệp tiên tiến, sạch, tự động hóa, số lượng công nhân giảm và có trình độ tay nghề cao hơn để phù hợp với xu thế chung của thế giới”, nữ chuyên gia nói thêm.
Để phát triển hạ tầng giao thông gắn với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, bà Lan cho rằng Bình Dương cần xác định các khu vực và các hành lang bảo vệ môi trường, hạn chế phát triển trong khu vực này để giữ gìn hệ sinh thái và nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.
Thứ hai, tỉnh cần định hướng xây dựng hệ thống giao thông thông minh, ứng dụng nền tảng công nghệ trong quản lý, vận hành các thiết bị của hệ thống giao thông thông minh; xây dựng các nền tảng số.
Điều này giúp cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát tự động phương tiện; giám sát, điều hành giao thông thông minh và quản lý hồ sơ điện tử của phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện; hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông.
Bà Hoàng Ngọc Lan cũng cho rằng Bình Dương cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là chú trọng hạ tầng xã hội (thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hoá…) ở cấp đô thị, hướng tới đô thị đáng sống để giữ chân nguồn nhân lực, tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực ở cấp độ cao phục vụ cho định hướng phát triển đô thị thông minh, sáng tạo.
Năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh Bình Dương (GRDP) ước tăng 8,29% (đạt kế hoạch 8-8,3%); GRDP bình quân đầu người đạt kế hoạch (169,8 triệu đồng).
Cũng trong năm qua, nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng đã được khởi động và gấp rút thi công như: Khu công nghiệp VSIP III, nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, mở rộng quốc lộ 13…
Năm 2023, việc đầu phát triển hạ tầng, ưu tiên nguồn lực cho giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng tiếp tục được tỉnh chú trọng thực hiện. Mặt khác, Bình Dương xác định công nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực. Song song đó, tỉnh vẫn đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, xây dựng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.